views
Review tai nghe Sony WF-C500
Cách đây không lâu, Sony đã giới thiệu tai nghe không dây mới là WF-C500, giá 2,29 triệu đồng. Sản phẩm có những đặc điểm nổi bật như: Khả năng tái tạo, nâng cấp âm thanh cho nguồn nhạc từ điện thoại, thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, kết nối liền mạch, thời lượng pin lên đến 20 giờ và khả năng chống nước IPX4.
Cặp tai nghe Sony WF-C500 đi cùng hộp sạc nhỏ gọn.
Cụ thể, hộp sạc của WF-C500 có hình dạng như một vỏ trứng tí hon. Bên ngoài hộp này là cổng sạc USB Type-C (có đèn LED báo hiệu) đang ngày càng trở nên phổ biến, dần thay thế chuẩn USB Type-A đã lỗi thời. Đi kèm hộp sạc và tai nghe bên trong, còn có 3 bộ đệm silicone kích thước khác nhau để người dùng lựa chọn sử dụng sao cho phù hợp với tai của mình.
Tai nghe sạc đầy pin có thể nghe nhạc liên tục tới 10 giờ và hộp sạc bổ sung thêm 10 giờ nghe nhạc cho tai nghe, tức tổng cộng bộ sản phẩm mang tới 20 giờ nghe nhạc. Dù hộp sạc chỉ tăng thêm một lần dung lượng cho tai nghe, ít hơn so với một số sản phẩm cung cấp thêm 3 - 4 lần, nhưng con số 10 giờ mới là điều đáng nói. Nó cho phép người dùng trải nghiệm WF-C500 liền mạch hơn, so với hầu hết các sản phẩm khác chỉ nghe nhạc liên tục được 6 - 8 tiếng là đã phải sạc lại.
Điểm cộng lớn nhất trong thiết kế cũng là yếu tố mang tới trải nghiệm thuận tiện cho người dùng, đó là bề mặt cảm ứng trên hai tai nghe rất rộng giúp thao tác ấn không bị hụt. Với tai nghe bên phải, người dùng nhấn một lần để chơi/tạm dừng nhạc, nhấn 2 lần liên tiếp để qua bài và nhấn 3 lần liên tục để trở lại bài trước đó, nhấn - giữ để gọi trợ lý ảo trên điện thoại (Google Assistant, Siri,...). Còn với tai nghe bên phải, nhấn một lần sẽ tăng âm lượng và ấn - giữ sẽ giảm âm lượng.
Diện tích vùng cảm ứng trên mỗi tai nghe rất rộng rãi.
Thao tác ấn lên bề mặt cảm ứng rất dễ dàng.
Tai nghe WF-C500 còn tương thích với tính năng Fast Pair của Google. Điều này cho phép người dùng ghép nối nhanh tai nghe với điện thoại Android. Bên cạnh đó, công nghệ Swift Pair sẽ giúp ghép nối tai nghe với máy tính Windows 10 thông qua Bluetooth. Những sự bổ sung tưởng chừng nhỏ nhặt này nhưng lại rất hữu dụng với người thường xuyên kết nối tai nghe với các thiết bị khác nhau.
Chuẩn chống nước IPX4 cũng là điểm cộng của Sony WF-C500, khi nó cho phép sử dụng khi đi dưới trời mưa rào hoặc lúc tập thể thao đổ nhiều mồ hôi. Lưu ý, công nghệ chống nước chỉ dành cho tai nghe chứ không phải hộp sạc, do đó người dùng hãy bảo vệ hộp sạc cẩn trọng. Trường hợp tai nghe đã bị ướt, người dùng cần lau khô trước khi đặt trở lại vào hợp sạc.
Sau thiết kế, khả năng tái tạo âm thanh đã giúp WF-C500 đánh bại nhiều đối thủ trong phân khúc. WF-C500 mang đến âm thanh chất lượng cao nhờ DSEE (Digital Sound Enhancement Engine - công nghệ cải thiện âm thanh kỹ thuật số). Tính năng này giúp phục hồi dải tần số cao và giữ được chi tiết âm thanh của những đoạn giảm dần âm lượng cho đến khi nhạc tắt hẳn.
Sony WF-C500 kết nối với smartphone qua ứng dụng Sony | Headphones Connect.
Thực tế trải nghiệm cho thấy, với các bản nhạc đòi hỏi âm trầm cường độ cao, chẳng hạn như "Silent Shout" của The Knife, tai nghe Sony WF-C500 mang lại âm thanh mạnh mẽ, đầy đủ âm tiết và không bị biến dạng dù nghe ở mức âm lượng thấp hay cao. Các âm sắc ở tần số cao vẫn nét và cân bằng tốt với các âm ở tần số thấp.
Tai nghe còn cho phép điều chỉnh chất âm bằng cách sử dụng tính năng Equalizer (bộ chỉnh âm) trong ứng dụng Sony | Headphones Connect. Người dùng có thể tùy chọn để phù hợp với chất âm của thể loại nhạc đang nghe, hoặc tự tạo và lưu thiết lập của riêng mình. Hiện tại, không có nhiều bên cung cấp tính năng tùy chỉnh này cho tai nghe thông qua ứng dụng trên điện thoại.
So với tai nghe Jabra Elite 3 hay Anker Soundcore Life P3 (cùng phân khúc giá với Sony WF-C500) mà người viết từng trải nghiệm, Sony WF-C500 là lựa chọn được khuyến nghị nếu người dùng đặt chất âm lên hàng đầu. Ngược lại, Jabra Elite 3 nổi trội bởi khả năng chống nước lẫn bụi IP55 (cao hơn so với IPX4 của WF-500), còn Anker Soundcore Life P3 thì có công nghệ chống ồn chủ động ANC (không có trên WF-C500).