views
Hầu hết các ngân hàng lớn và các nhà quản lý đầu tư đều kỳ vọng thị trường tiền mã hoá sẽ phục hồi vào năm 2023 sau một năm tàn khốc chứng kiến Bitcoin giảm khoảng 75% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 11 năm ngoái.
Sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX - sự cố mới nhất trong một loạt các vụ siết chặt thanh khoản và hồ sơ phá sản khiến các nhà đầu tư rúng động - đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có nhiều quy định hơn trong lĩnh vực đầu cơ cao.
Theo Matthew Sigel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số của VanEck, mặc dù Bitcoin vẫn có thể về đáy khoảng 10.000-12.000 USD, nhưng nó có thể phục hồi lên 30.000 USD vào nửa cuối năm 2023. Được biết, Bitcoin đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 69.000 USD vào tháng 11 năm 2021.
Marion Laboure, nhà phân tích nghiên cứu, ngân hàng Deutsche chia sẻ: "Mặc dù các nhà đầu tư đã chịu tổn thất đáng kể, nhưng chúng tôi tin rằng 'mùa đông tiền điện tử' thứ hai này sẽ là một kết quả tích cực vì sự sụp đổ của FTX sẽ đưa hệ sinh thái tiền mã hoá đến gần hơn với lĩnh vực tài chính đã được thiết lập".
"Sự cố FTX làm nổi bật các vấn đề cấu trúc nổi tiếng trong hệ sinh thái tiền mã hoá: không đủ dự trữ, xung đột lợi ích, thiếu quy định và minh bạch cũng như dữ liệu không đáng tin cậy".
Trong thông báo đầu tháng 12, JP Morgan đánh giá cao việc hợp nhất thành công mạng Ethereum. Các chuyên gia của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ nhận định: "Ethereum hậu hợp nhất sẽ là chất xúc tác cho sự phát triển của thị trường tiền mã hoá trong 6-12 tháng tới". Đại diện ngân hàng JP Morgan cũng lưu ý việc các tổ chức lớn bắt đầu dịch chuyển nguồn tiền sang các dự án thực tế thay vì đầu cơ sẽ giúp tiền số được ứng dụng nhiều hơn vào đời sống. "Chúng tôi tin đây vẫn đang trong giai đoạn khởi đầu, đặt nền móng quan trong cho sự phát triển thời gian tới", chuyên gia của JP Morgan nói.
Các nhà kinh tế học của Goldman Sach nhận định khủng hoảng của FTX có thể là đỉnh điểm của "mùa đông tiền số". "Vài tháng tới sẽ có một đợt giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý. Nhưng về lâu dài, việc hợp nhất thành công mạng Ethereum khiến mọi người có cái nhìn tích cực hơn về tiền mã hóa", Goldman Sach cho hay.
Matthew Sigel, trưởng nhóm nghiên cứu tài sản số của quỹ đầu tư Vaneck đánh giá: “Với việc khai thác Bitcoin phần lớn không có lãi do giá điện cao hơn gần đây, chúng tôi dự đoán rằng nhiều công ty khai thác sẽ tái cấu trúc hoặc hợp nhất khi họ tìm kiếm nguồn vốn mới”.
Trong khi đó, Ethereum đã nhanh chóng thay đổi để thích ứng, giúp việc ứng dụng blockchain vào lưu ý và thanh toán truyền thống được thuận tiện hơn", Sigel nói. Ông cho rằng Ethereum và những đồng tiền mã hóa thân thiện với môi trường sẽ gặt hái nhiều thành công trong chu kỳ tiếp theo. Sigel cũng lưu ý việc lạm phát kéo dài có thể khiến tỷ lệ chấp nhận tiền mã hóa ở một số quốc gia đang phát triển tăng cao.
Ông nói thêm rằng việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine có thể đảo ngược một số chính sách nhằm kiềm chế lạm phát và khiến việc khai thác Bitcoin trở nên hợp lý hơn về mặt chính trị.
Cuối cùng, Tom Norwood, đồng sáng lập kiêm CEO Loop Markets nhận định: "Nhu cầu về Bitcoin sẽ tiếp tục tăng bất kể điều kiện thị trường như thế nào vì nó vẫn tốt hơn hầu hết các loại tiền tệ ở chỗ ít nhất nó có cơ hội tốt để tăng lên, trong khi hầu hết các loại tiền tệ sẽ mất giá theo thời gian".
Ông Norwood hy vọng thị trường tiền mã hoá sẽ phục hồi trong khoảng 6 tháng tới.
Theo Reuters