Trong năm 2022, TikTok được mệnh danh là thương hiệu phát triển nhanh nhất thế giới với mạng xã hội cùng tên "bùng nổ".

Năm 2022 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nhiều thương hiệu công nghệ mới, bất chấp những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid- 19.

Tổng quan về các thương hiệu giá trị nhất thế giới năm 2022: 

  • Apple giữ vững "ngôi vương" là thương hiệu giá trị nhất thế giới với mức định giá kỷ lục hơn 355 tỷ USD, xếp sau là Amazon và Google
  • TikTok được được vinh danh là thương hiệu phát triển nhanh nhất thế giới, tăng 215%, dẫn đầu cuộc cách mạng toàn cầu về truyền thông
  • Công nghệ vẫn là ngành có giá trị nhất
  • Quá trình phát triển vắc-xin COVID-19 đã giúp ​​dược phẩm trở thành ngành phát triển nhanh nhất, ngành du lịch rớt xuống dưới mức định giá trước đại dịch
  • Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia tiếp tục thống trị với 2/3 các công ty có giá trị thương hiệu cao nhất, Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thời kỳ đại dịch, tăng 42%
  • WeChat được vinh danh là thương hiệu mạnh nhất thế giới năm thứ hai liên tiếp với số điểm cao nhất là 93,3/ 100 và xếp hạng AAA+
  • Satya Nadella của Microsoft đứng đầu trong danh sách Brand Finance Brand Guardianship Index (chỉ số giám hộ thương hiệu) 2022 với 250 CEO hàng đầu thế giới

Apple giữ vững ngôi vô địch với mức định giá kỷ lục

Apple đã giữ vững danh hiệu thương hiệu giá trị nhất thế giới sau khi tăng 35%, đạt 355,1 tỷ USD – giá trị thương hiệu cao nhất từng được ghi nhận trong bảng xếp hạng Brand Finance Global 500.

Apple đã có một năm xuất sắc, được đánh dấu bằng thành tích vào đầu năm 2022 – là công ty đầu tiên trên thế giới đạt mức vốn hoá thị trường 3.000 tỷ USD. Thành công của "gã khổng lồ" công nghệ nằm ở việc tăng cường định vị thương hiệu cốt lõi của mình. Và giờ đây, thương hiệu đang được áp dụng hiệu quả cho nhiều loại dịch vụ hơn.

Apple vẫn là công ty có giá trị thương hiệu lớn nhất thế giới năm 2022.

iPhone vẫn chiếm khoảng một nửa doanh số bán hàng của thương hiệu. Tuy nhiên, năm nay, "Táo Khuyết" chú ý nhiều hơn đến bộ sản phẩm khác của mình, ra mắt thế hệ iPad mới, cải tiến iMac và giới thiệu AirTags. Phạm vi dịch vụ của hãng, từ Apple Pay đến Apple TV cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở nên quan trọng đối với sự thành công của thương hiệu.

Ngoài ra, Apple nhận biết được tầm quan trọng của việc hòa hợp với khách hàng của mình để duy trì tài sản thương hiệu. Quyền riêng tư và môi trường là những chủ đề nổi bật và Apple là thương hiệu đi đầu trên cả hai mặt trận. Điều này được chứng minh bằng chính sách quyền riêng tư minh bạch hơn của App Store, củng cố niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu và cam kết các đối tác sản xuất sẽ chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Về dài hạn, công ty đặt mục tiêu đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2030.

iPhone vẫn là sản phẩm chủ lực của "Nhà Táo".

Apple có mức độ trung thành thương hiệu đáng kinh ngạc, phần lớn nhờ vào danh tiếng về chất lượng và sự đổi mới. Sau nhiều thập kỷ làm việc chăm chỉ để hoàn thiện thương hiệu, ​​"Táo cắn dở" đã trở thành một hiện tượng văn hóa, cho phép hãng không chỉ cạnh tranh mà còn phát triển ở số lượng lớn các thị trường. Dự kiến, công ty sẽ tham gia vào lĩnh vực xe điện và thực tế ảo trong tương lai, sẵn sàng cho một "bước nhảy vọt" mới.

Amazon và Google

Amazon và Google cũng có mức tăng trưởng tốt, cả hai đều giữ vững vị trí của mình trong bảng xếp hạng Brand Finance Global 500, đứng sau Apple ở vị trí thứ 2 và thứ 3. Amazon đã cùng với Apple vượt mốc giá trị thương hiệu 300 tỷ USD với mức tăng 38%, đạt 350,3 tỷ USD, giải quyết các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu lao động trong quá trình này.

Kể từ tháng 6/2021, công ty đã tuyển dụng 133.000 nhân viên mới và gần đây đã công bố kế hoạch bổ sung 125.000 lao động theo giờ với dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Amazon và Google.

Amazon coi hậu cần là chìa khóa, phát triển chuỗi cung ứng đầu cuối của riêng mình thông qua lượng xe tải và máy bay ngày càng tăng. Trong suốt năm 2020 và 2021, thương hiệu này đã đầu tư khoảng 80 tỷ USD vào bộ phận hậu cần của mình, tăng đáng kể so với mức đầu tư 58 tỷ USD trong 5 năm trước đó.

Google cũng chứng kiến ​​mức tăng trưởng giá trị thương hiệu 38%, đạt 263,4 tỷ USD. Phần lớn doanh thu của thương hiệu này phụ thuộc vào quảng cáo. Tuy nhiên, doanh thu của hãng đã bị thiệt hại bởi đại dịch. Khi thế giới trở về trạng thái bình thường mới và mọi người ngày càng dành nhiều thời gian trực tuyến hơn, ngân sách quảng cáo đã tăng trở lại và hoạt động kinh doanh của Google được phục hồi, giúp cho giá trị thương hiệu tăng lên một cách lành mạnh.

TikTok là thương hiệu phát triển nhanh nhất thế giới, dẫn đầu cuộc cách mạng truyền thông

Tăng gấp 3 lần về giá trị thương hiệu trong năm qua, TikTok là thương hiệu phát triển nhanh nhất thế giới. Với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc - 215%, giá trị thương hiệu của ứng dụng giải trí đã tăng từ 18,7 tỷ USD vào năm 2021 lên 59,0 tỷ USD trong năm nay. Giành vị trí thứ 18 trong số 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới, đây là thương hiệu mới có vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng Brand Finance Global 500 năm 2022.

Mạng xã hội Tiktok phát triển thần tốc.

Do các hạn chế bởi dịch COVID-19 diễn ra trong suốt năm 2021, các dịch vụ giải trí kỹ thuật số, mạng xã hội và phát trực tuyến tiếp tục tăng trưởng. Và sự trỗi dậy của TikTok là minh chứng cho thấy sự thay đổi của truyền thông. Với việc cung cấp nội dung dễ hiểu và giải trí, mức độ phổ biến của ứng dụng đã lan rộng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Tiktok cũng mang tới nhiều nội dung sáng tạo và là một cách kết nối giữa mọi người trong thời gian phong tỏa.

Đồng thời, thông qua các mối quan hệ đối tác chiến lược, ví dụ như tài trợ cho giải đấu UEFA Euro 2020, TikTok đã thành công tiếp cận tới thế hệ Gen Z đông đảo. Mạng xã hội này đã vượt mốc một tỷ người dùng vào năm 2021 và trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên cửa hàng Google Play của Android và App Store của Apple.

Cuộc cách mạng truyền thông

Nhìn chung, các thương hiệu truyền thông phát triển nhanh nhất trong bảng xếp hạng. Trong đó, Snapchat (giá trị thương hiệu tăng 184%, đạt 6,6 tỷ USD) và thương hiệu internet Kakao của Hàn Quốc (giá trị thương hiệu tăng 161%, đạt 4,7 tỷ USD) theo sát TikTok.

Snapchat đã chứng kiến ​​tần suất sử dụng ngày một tăng lên và doanh thu tăng 77% trong 9 tháng đầu năm 2021. Sự phổ biến của video dạng ngắn - Spotlight được xem là động lực chính của sự tăng trưởng này.

Các công ty truyền thông ghi nhận sự phát triển vượt bậc.

Ở lĩnh vực truyền thông, những công ty cung cấp dịch vụ phát trực tuyến, ví dụ như Disney (giá trị thương hiệu tăng 11%, đạt 57,0 tỷ USD), Netflix (giá trị thương hiệu tăng 18%, đạt 29,4 tỷ USD), YouTube (giá trị thương hiệu tăng 38%, đạt 23,9 tỷ USD) và Spotify (giá trị thương hiệu tăng 13%, đạt 6,3 tỷ USD) đều tăng giá trị.

Ngược lại, các thương hiệu truyền thông truyền thống đã chứng kiến ​​​​sự suy giảm liên tục. Warner Bros là một trong những thương hiệu tụt hạng nhanh nhất trong bảng xếp hạng năm nay (giá trị thương hiệu giảm 33%, còn 6,8 tỷ USD) và xu hướng này càng rõ ràng hơn khi so sánh với thời kỳ trước đại dịch.

Nhìn vào sự thay đổi giá trị thương hiệu trong hai năm qua, 3/5 thương hiệu truyền thông có sụt giảm nhanh nhất là Warner Bros (giảm giá trị thương hiệu lớn nhất - 40%), NBC (giá trị thương hiệu đạt 9,4 tỷ USD, giảm 38%) và CBS (giá trị thương hiệu đạt 7,4 tỷ USD, giảm 36%).

Công nghệ vẫn là ngành có giá trị nhất

Lĩnh vực công nghệ một lần nữa có giá trị nhất trong bảng xếp hạng Brand Finance Global 500 với tổng giá trị thương hiệu tích lũy gần 1,3 nghìn tỷ USD. Công nghệ và các thương hiệu công nghệ ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Tổng cộng có 50 thương hiệu công nghệ góp mặt trong bảng xếp hạng. Chỉ riêng ba "ông lớn": Apple, Microsoft (giá trị thương hiệu 184,2 tỷ USD) và Tập đoàn Samsung (giá trị thương hiệu 107,3 ​​tỷ USD) đã chiếm nhiều hơn hơn 50% tổng giá trị thương hiệu trong ngành.

Top 10 thương hiệu tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2022.

Đồng thời, Huawei đã giành lại vị trí top 10 thương hiệu giá trị nhất thế giới sau khi tăng trưởng 29%, đạt 71,2 tỷ USD. Mảng kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ. Bù lại, hãng đã phản ứng tích cực bằng cách đẩy mạnh đầu tư vào cả các công ty công nghệ trong nước và R&D cũng như chuyển trọng tâm sang các dịch vụ đám mây.

Lĩnh vực công nghệ cũng là nơi có 2/5 thương hiệu phát triển nhanh nhất trong bảng xếp hạng: các thương hiệu bán dẫn AMD (giá trị thương hiệu tăng 122%, đạt 6 tỷ USD) và Nvidia (giá trị thương hiệu tăng 100%, đạt 16 tỷ USD). Sự phát triển về game, khai thác tiền điện tử và trí tuệ nhân tạo - AI cùng với sự thiếu hụt nguồn cung cấp chip toàn cầu đã khiến nhu cầu sản phẩm của cả hai thương hiệu trên luôn ở mức cao trong suốt cả năm, kéo doanh thu tăng lên.

What's your reaction?


You may also like